Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu cua sang Trung Quốc, Hoa Kỳ và Canada (03-02-2025)

 Thương mại cua toàn cầu tăng nhẹ trong nửa đầu năm 2024. Thương mại cua tuyết không mấy khả quan do nguồn cung khan hiếm, trong khi triển vọng cua hoàng đế rất tươi sáng. Nghề đánh bắt cua hoàng đế đỏ Bristol Bay có khả năng vẫn mở cửa với hạn ngạch cao hơn.
Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu cua sang Trung Quốc, Hoa Kỳ và Canada
Ảnh minh họa

Nguồn cung

Tình trạng nước ấm lên ở Biển Bering do biến đổi khí hậu đã khiến nghề đánh bắt cua tuyết Alaska sụp đổ. Để ứng phó, Chính phủ Liên bang đã chi 39,5 triệu USD để cứu trợ ngành này. Tuy nhiên, vì trữ lượng cua tuyết ở Biển Bering vẫn đang phục hồi nên nghề đánh bắt này rất có thể sẽ tiếp tục đóng cửa trong mùa thứ 3. Tính đến cuối tháng 9 năm 2024, những người đánh bắt cua Alaska vẫn chưa chắc chắn liệu mùa đánh bắt cua hoàng đế đỏ có được mở cửa hay không và hạn ngạch sẽ là bao nhiêu. Trước đó, khoảng giữa tháng 9, Hội đồng Quản lý Nghề cá Bắc Thái Bình Dương (the North Pacific Fishery Management Council  - NPFMC) đã khuyến nghị điều chỉnh tăng sản lượng đánh bắt ABC (the acceptable biological catch) được chấp nhận đối với cua hoàng đế đỏ Bristol Bay cho mùa vụ 2024–2025.

Theo đó, sản lượng đánh bắt ABC được đề xuất hơn 4.000 tấn, tăng đáng kể so với hạn ngạch 975 tấn của năm trước. Theo Cục Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia (the National Oceanic and Atmospheric Administration - NOAA), rất có thể mùa cua hoàng đế đỏ sẽ được mở lại lần thứ 2 sau hai năm đóng cửa. Kết quả đánh bắt bằng lưới kéo trong mùa hè (theo số liệu khảo sát của NOAA) đã ủng hộ quyết định này.

Thị trường

Liên bang Nga gần đây đã bắt đầu đánh bắt cua hoàng đế ở Biển Barents; phần lớn sản lượng đánh bắt được chuyển đến các chợ bán cua sống, gây áp lực về giá. Do lệnh cấm nhập khẩu cua Nga vào Hoa Kỳ và Châu Âu nên sản phẩm này được chuyển đến các thị trường Châu Á. Lượng cua tuyết Canada được lưu trữ lạnh rất ít và giá của chúng tại thị trường Hoa Kỳ đang tăng do nguồn cung khan hiếm. Theo các nhà quan sát, chỉ còn khoảng 4.975 tấn được lưu trữ tại Canada. Trong khi đó, nhu cầu về cua tuyết rất lớn. Tình hình cung ứng trở nên tồi tệ hơn do lệnh cấm của Hoa Kỳ đối với hải sản của Nga, cộng với thực tế là mùa cua tuyết của Na Uy đã kết thúc và sản lượng đánh bắt của Greenland rất nhỏ (chỉ khoảng 3.000 tấn mỗi năm).

Trước tình hình nguồn cung trong nước rất eo hẹp, lượng cua tuyết nhập khẩu của Hoa Kỳ có khả năng vượt qua khối lượng của năm ngoái. Theo thống kê của NOAA, tổng khối lượng cua tuyết nhập khẩu của Hoa Kỳ trong bảy tháng đầu năm 2024 đã tăng 4% lên 50.383 tấn, so với 48.518 tấn trong cùng kỳ năm trước. Lượng nhập khẩu từ Canada tăng 4% và từ Na Uy tăng 27%; trái lại, lượng nhập khẩu từ Greenland giảm 43%. Mùa cua Dungeness tại Tiểu bang Washington của Hoa Kỳ đã kết thúc vào ngày 15 tháng 9 năm 2024, trong khi nghề này ở British Columbia vẫn mở cửa.

Tuy nhiên, nghề khai thác cua trên thế giới đã đạt kết quả đáng thất vọng trong vụ mùa 2023–2024. Lượng cua đánh bắt được là 17.503.845 lbs (tương đương với 7.940 tấn), so với 24.062.301 lbs (10.915 tấn) trong vụ mùa 2022–2023. Với nguồn cung giảm, giá cua đương nhiên sẽ tăng lên.

Thương mại quốc tế

Lượng nhập khẩu cua (mọi loại) của toàn cầu trong nửa đầu năm 2024 đạt 230.382 tấn, tăng rất khiêm tốn 2,7% so với 224.237 tấn trong cùng kỳ năm trước. Hai nước nhập khẩu lớn nhất là Hoa Kỳ và Trung Quốc đã tăng khối lượng nhập khẩu lần lượt là 11,9% và 10,4%. Nước nhập khẩu lớn thứ ba là Hàn Quốc đã giảm 12,5% lượng cua nhập khẩu trong giai đoạn này. Canada cũng nhập khẩu ít cua hơn, giảm 29,8%.

Lượng cua nhập khẩu (mọi loại) của Hoa Kỳ trong nửa đầu năm 2024 đã tăng từ 59.582 tấn năm 2023 lên 66.686 tấn năm 2024. Các nhà cung cấp lớn nhất là Canada với 63%, tiếp theo là Indonesia (10,4%) và Na Uy (6,3%). Cũng đáng chú ý là lượng nhập khẩu từ Việt Nam và Philippines tăng đáng kể lần lượt là 22,5% và 76,9%.

Xuất khẩu cua của Nga (tất cả các loại) tăng 4,6% trong nửa đầu năm lên 41.477 tấn. Tất cả các thị trường chính đều ở Châu Á. Lượng cua nhập khẩu của Trung Quốc tăng 10,4% lên 63.895 tấn. Các nhà cung cấp lớn nhất là Liên bang Nga (chiếm 29,2% tổng số), Việt Nam (9,0%) và Canada (8,8%). Tất cả các nhà cung cấp chính đều ghi nhận khối lượng xuất khẩu sang Trung Quốc giảm. Ngược lại, lượng cua xuất khẩu của Trung Quốc giảm 2,7%.

Tại Hàn Quốc, nguồn cung cua tuyết hiện do Nga chi phối. Tuy nhiên, Hội đồng Thủy sản Na Uy (the Norwegian Seafood Council - NSC) lạc quan tin tưởng rằng tình hình có thể sớm thay đổi và Na Uy sẽ chiếm được thị phần trên thị trường cua tuyết tươi sống. Một mặt, cua tuyết Na Uy được hưởng mức thuế nhập khẩu bằng 0% tại Hàn Quốc, trong khi cua tuyết Nga đang phải chịu mức thuế nhập khẩu lên đến 20%.

Việt Nam đang tăng đáng kể xuất khẩu cua. Trong nửa đầu năm 2024, xuất khẩu cua của Việt Nam là 5.551 tấn, tăng 48,7% so với 3.734 tấn cùng kỳ năm trước. Một phần lớn trong số này là do xuất khẩu sang Trung Quốc tăng mạnh, tăng khoảng 1.626% so với cùng kỳ năm trước. Ngược lại, xuất khẩu cua của Việt Nam sang Nhật Bản giảm 25% trong giai đoạn này và xuất khẩu sang Liên minh châu Âu giảm tới 46%. Về mặt tích cực, xuất khẩu cua của Việt Nam sang Hoa Kỳ và Canada lần lượt tăng 30% và 44%.

Lượng nhập khẩu ghẹ xanh (Portunus pelagicus) và ghẹ đỏ (Portunus haanii) của Hoa Kỳ đã tăng lên 12.092 tấn, trị giá 301,1 triệu USD trong năm tháng đầu năm 2024, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, lượng nhập khẩu của Hoa Kỳ được cho là giảm trong thời gian còn lại của năm, vì thông thường, khối lượng nhập khẩu lớn hơn vào nửa đầu năm.

Indonesia là nhà cung cấp cua chính cho Hoa Kỳ, chiếm 47,8% tổng số. Nhà cung cấp lớn thứ hai là Venezuela với 1.521 tấn (tương đương với 12,6 %), tiếp theo là Philippines với 1.242 tấn (10,3%).

Dự báo

Tình hình cung cấp cua hoàng đế có thể sẽ tốt hơn vào năm 2025 với hạn ngạch cao hơn ở Alaska, nhưng lại giảm ở Na Uy. Liên bang Nga hiện đang đánh bắt cua ở Biển Barents, số lượng lớn sẽ được xuất sang Châu Á do lệnh cấm nhập khẩu thủy sản Nga vào Hoa Kỳ và Châu Âu. Đối với cua tuyết, tình hình không mấy sáng sủa. Nghề đánh bắt loài này ở Alaska vẫn đang gặp nhiều khó khăn và sản lượng được dự đoán ​​sẽ thấp. Trong thời gian tới, giá cua tuyết có khả năng sẽ tăng cao hơn nữa. Nguồn cung cua Dungeness cũng đang eo hẹp và dự kiến ​​sẽ tiếp tục tình trạng khan hiếm nguồn cung như vậy. Do đó, giá đang trên đà tăng.

Ngọc Thúy (theo FAO) 

Ý kiến bạn đọc

Tin khác